Tôm là thực phẩm dồi dào protein và các dưỡng chất như sắt, canxi, vitamin và selen có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, phòng chống các bệnh về thiếu máu, xương khớp và ung thư rất tốt. Tuy nhiên, để nấu được bữa tôm ngon cho cả nhà lại không hề dễ.
Ảnh: Internet
1. Không tận dụng vỏ và đầu tôm
Đầu và vỏ tôm tuy không chứa nhiều canxi như ta vẫn nghĩ nhưng nó lại giúp giữ được hương vị món tôm sau khi chế biến nhất và giữ lại vẹn nguyên chất dinh dưỡng có trong tôm. Vì vậy, khi nấu hãy giữ lại phần vỏ và đầu tôm để món ăn có vị ngọt, thơm hơn nhé. Ngoài ra, nếu món ăn không cần dùng đến phần đầu, cũng hãy tận dụng nó cho một món canh khác (canh bầu, canh bí hoặc canh mướp) cũng rất ngon đấy. Bạn chỉ cần làm sạch phân tôm trong phần đầu, đem xay nhuyễn đầu, râu tôm, lọc lấy nước và nấu như nấu canh cua, bạn sẽ có một món canh tôm vừa ngon lành, bổ dưỡng lại rất tiết kiệm.
Ảnh: Internet
Tuy nhiên, với những người đang bị ho hoặc có bệnh về phế quản thì không nên ăn phần vỏ này vì chúng có thể gây kích ứng cổ họng, khiến bệnh ho nặng hơn.
2. Nấu tôm quá kỹ
Nhiều người cho rằng nếu luộc hoặc xào thì nấu tôm càng kỹ càng mềm, ngon hơn. Thế nhưng việc làm này lại rất phản tác dụng, bởi nó sẽ làm mất đi dưỡng chất trong tôm, hơn nữa còn khiến thịt bị cứng, dai, kém hấp dẫn hơn nhiều.
Ảnh: Internet
Khi nấu tôm hãy chú ý nấu chín vừa tới, để giữ nguyên hương vị ngon ngọt của món ăn, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tối đa. Tùy từng phương pháp chế biến mà sẽ cần thời gian khác nhau để tôm đạt đủ độ chín. Có một cách chung để biết tôm đã chín chưa đó là quan sát thấy thịt tôm đã chuyển màu hồng nhạt pha trắng là được.
Ảnh: Internet
3. Không rã đông tôm
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta bận rộn và việc đi chợ một lần cho cả tuần trở thành điều thường xuyên hơn. Món tôm cũng thường được để đông lạnh trước khi chế biến, thế nhưng nếu không được rã đông đúng cách, không chỉ khiến tôm bị mất vị, không còn ngon miệng mà còn khiến thịt tôm chín không đều nữa.
Ảnh: Internet
Hãy lưu ý, đừng nên rã đông bằng lò vi sóng, ngâm nước nóng vì các bước này đều có nhiệt độ tác động trực tiếp vào phần vỏ tôm, khiến chúng chuyển hồng trong khi phần thịt tôm vẫn còn sống, thậm chí còn đông đá. Khi chế biến chúng ta sẽ dễ bị “đánh lừa" rằng tôm đã chín trong khi chúng chỉ vừa kịp rã đông phần đông đá bên trong thịt, như vậy không chỉ làm món tôm bị cứng, mất đi mùi vị thơm ngon mà còn rất hại cho sức khỏe vì ăn phải thực phẩm chưa chín.
Ảnh: Internet
Cách rã đông dễ nhất đó là xả thẳng nước từ vòi nước vào con tôm và để ngâm trong 2-3 phút, chúng sẽ tự động rã đông và các bước chế biến sau đó cũng đơn giản hơn.
4. Nêm quá nhiều gia vị
Khi sơ chế tôm, đừng nên ướp quá nhiều gia vị bởi trong tôm vốn đã có vị ngọt tự nhiên và độ mềm vốn có. Khi ướp quá nhiều gia vị sẽ khiến tôm bị át đi mùi vị nguyên bản, hơn thế, nếu bạn ướp muối nhiều, muối sẽ hút bớt nước trong tôm khiến món tôm sau khi nấu sẽ dai, cứng thịt hơn.
Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, ướp muối trước cũng làm một phần muối ngấm vào tôm, sau đó khi chế biến món ăn bạn lại nêm gia vị một lần nữa và rất dễ bị cho quá tay, khiến tôm bị mặn, vừa không ngon vừa có hại cho sức khỏe cả nhà khi ăn quá nhiều muối./.