Bánh căn Lệ: Quán nằm trong một con hẻm nhỏ, nên khá khó tìm. Hương vị đậm đà khó cưỡng là lý do bánh căn Lệ từ lâu trở thành địa điểm quen thuộc của thực khách khi đến Đà Lạt. Quán thường mở cửa hàng cả ngày, chỉ nghỉ trưa từ 10h30-15h30. Ảnh: Ninheating, Hetmydiscovery.
Bánh ở đây có nhiều loại nhân như bò băm, nhân trứng cút, hải sản… Nếu bánh căn Vũng Tàu hay Quy Nhơn được chiên giòn, ăn chung với nước mắm và gỏi đu đủ, cà rốt, điểm riêng tạo nên thức ngon Đà Lạt lại là nướng trong khuôn đất nung cho cháy sém, dậy mùi. Bánh căn Lệ cũng như nhiều quán ăn khác có 2 loại nước chấm là nước mắm và mắm nêm, cho thêm vài viên xíu mại đặc trưng. Địa chỉ: Hẻm 44, Yersin, phường 10, Đà Lạt. Ảnh: Gogofindfood.
Bánh tráng nướng cô Hoa là gợi ý tuyệt vời của tín đồ ăn vặt. Quán nhỏ nằm trong hẻm nhưng lúc nào cũng đông người ra vào. Thực khách ấn tượng với bánh tráng nướng ở đây bởi lớp vỏ bánh dày giòn tan, nhiều trứng và hành thơm nức mũi. Phần nhân thịt bò hoặc gà được rắc nhiều đều khắp mặt bánh, quyện với lớp phô mai dẻo quánh. Ảnh: Maitrangggg.
Ngoài bánh tráng nướng, quán còn phục vụ các món như bia, bò bía, bánh tráng trộn, bánh bèo… Quán thường chỉ bán vào buổi chiều tầm 14h trở đi. Bánh tráng cô Hoa khá đông nên thường phải chờ hơi lâu mới được thưởng thức. Địa chỉ: Hẻm 3/56 Thông Thiên Học, Đà Lạt. Ảnh: Miusfoodmaps.
Quán Long – Bánh ướt lòng gà: Quán nằm trên con hẻm ở đường Phan Đình Phùng, cách chợ Đà Lạt 2 km. Quán thu hút du khách bởi hương vị đậm đà, cách bày trí cũng như phần bánh ướt đầy đặn, thịt gà mềm, không bị bở. Đặc biệt, nước chấm quán Long được pha theo bí quyết riêng không nơi nào có được. Ảnh: Tastydarling.
Bánh được tráng sau khi thực khách gọi món, vì vậy bạn có thể thưởng thức hương vị nóng hổi, phù hợp với thời tiết se lạnh ở Đà Lạt. Quán Long không quá rộng, chỉ có sức chứa khoảng 30 người, nhưng có điểm cộng lớn là không gian khá thoáng đãng và sạch sẽ. Địa chỉ: Hẻm 202, Phan Đình Phùng, phường 2, Đà Lạt. Ảnh: Bachuaviahe.