Sau 9 tiếng ngồi tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nhị Nguyên (SN 1998) đã ra về với tâm trạng nặng nề và thất vọng.
“Tại sao bà Hóa không phạt tù? Tại sao số tiền phạt chỉ vừa đủ tiền thuốc, đền bù tinh thần, sức khỏe không thấy“, ông Nhị Nguyên nói với nhóm người thuộc Tịnh thất Bồng Lai trong suốt đường về.
PV đã có cuộc phỏng vấn với đại diện Tịnh thất Bồng Lai – ông Nhị Nguyên sau phiên tòa hôm 9/12 vừa qua.
“Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng”
– Cảm giác ông như thế nào khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc?
Nhị Nguyên: Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng khi tòa xử bị cáo Châu Vinh Hóa 2 năm tù treo và bồi thường chỉ hơn 17 triệu đồng. Nếu có theo dõi trong thời gian qua, bạn sẽ cảm thấy đây là vụ cố ý gây thương tích rất được dư luận quan tâm.
Không chỉ tôi, “thầy ông nội” Lê Tùng Vân cùng mọi người trong Tịnh thất Bồng Lai cũng rất bất ngờ, ngỡ ngàng và thất vọng về kết quả này. Trước khi đến tòa, chúng tôi và luật sư đã chuẩn bị các đoạn video ghi lại hình ảnh ông Thắng xâm phạm tư gia bất hợp pháp, tấn công chúng tôi. Tuy nhiên, tòa không sử dụng cũng không trình chiếu những tư liệu này.
Nếu vài chục năm trước, việc tìm bằng chứng cho vụ án còn gặp khó khăn thì ngày nay, máy móc, thiết bị hiện đại thì tại sao mình không sử dụng? Họ đã lục lọi từng phòng ốc, tấn công tôi đổ máu, cầm gậy hăm đánh chúng tôi. Họ không xem người chủ hộ ra gì hết. Tại sao kết quả lại “lạ lùng” như thế?
– Sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, ông dự định sẽ làm gì tiếp theo?
Nhị Nguyên: Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện vì kết quả này thật sự không thỏa đáng. Nhiều người không hiểu nói rằng tại sao tôi tu mà lại ép người ta vào đường cùng, không biết tha thứ. Đối với tôi, mình tu mình chỉ tha thứ cho người biết sửa đổi, biết hối hận.
Đó là một sự hối lỗi thật lòng. Còn đằng này, họ làm lỗi nhưng không biết. Nếu mình tiếp tục tha thứ sẽ tiếp tay cho “cái ác” trong xã hội này.
Ông Thắng kéo người vào, ông ấy chưa từng xin lỗi, chưa từng sửa đổi còn chửi tôi, chửi thầy Lê Tùng Vân thì làm sao tôi có thể tha thứ? Nếu như ông ấy biết lỗi thật lòng, tôi sẵn sàng tha thứ. Nhưng tôi nghĩ ông ấy không bao giờ hối hận đâu.
Những người này cần được pháp luật xử lý thỏa đáng để biết tôn nghiêm, biết tôn trọng danh dự, thân thể của người khác. Tôi đã chịu vết thương trên mặt, nó sẽ đi theo tôi đến hết cuộc đời!
Mẹ Diễm My từng nói chúng tôi bắt cóc, hãm hiếp con gái
– Khi phiên phúc thẩm diễn ra, mẹ Diễm My bên ngoài TAND tỉnh Long An đã bày tỏ mong muốn được đối thoại với ông Lê Tùng Vân về câu chuyện Diễm My. Tuy nhiên, nguyện vọng này đã bất thành. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nhị Nguyên: Hôm 9/12, tòa chỉ mời tôi là bị hại và cô Cao Thị Cúc là chủ hộ nên những người khác không được vào, phải ở ngoài xe. Tôi trong tòa suốt 9 tiếng nên không rõ diễn tiến bên ngoài. Nhưng về mẹ Diễm My, tôi nhận xét thế này.
Bà là một người ăn nói vô phép, vô tắc. Trong 2 phiên tòa lần trước, bà ấy cũng vào dự. Giữa tòa án, bà ấy đã chỉ thẳng mặt, nói chúng tôi bắt cóc, hãm hiếp con gái bà ấy. Lúc ấy, có các nhân viên tòa án, có cả công an.
Bà ấy muốn nói gì thì nói, không suy nghĩ cũng không có bằng chứng gì. Đến mức, “thầy ông nội” phải nói với cơ quan công an rằng có thể đưa bà ấy ra ngoài không.
Hiện tại, con gái bà ấy đã 22 tuổi rồi, muốn đi đâu thì đi. Bà ấy sống như thế nào mà con gái phải lên video bức xúc, không chịu sống cùng mẹ? Đó là chuyện của gia đình bà ấy. Bà Mai hành động như thể không còn luật pháp, muốn bắt cóc, hãm hiếp ai cũng được. Lần nào bà ấy gặp chúng tôi cũng nói như thế.
– Ông chia sẻ rằng mức phạt 17 triệu sau phiên phúc thẩm là không thỏa đáng. Vì sao lại như thế?
Nhị Nguyên: 17 triệu là chỉ đủ tiền thuốc của tôi. Tiền bồi thường về tinh thần, sức khỏe, tiền tập thể hình… của tôi vẫn chưa thỏa đáng. Tôi đã nói với luật sư của mình rằng bắt buộc phải khởi kiện tiếp.
Người ta không hiểu nói tôi tham, đòi 3 tỷ cho vết sẹo. Nhưng tôi đòi là đòi những thiệt hại đằng sau vết sẹo đó. Việc tôi đấu tranh đến cùng là để thể hiện rằng công lý luôn là điều quan trọng nhất. Tôi muốn cổ vũ cho sự bình đẳng, để mọi người đẩy lùi những cái xấu. Từ đó, người ta có thể sống trong xã hội công bằng hơn.
Xin cảm ơn ông Nguyên!