Năm 2000, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore đã thua tại bang Florida và thua đối thủ George W. Bush với khoảng cách 537 trong tổng số gần 6 triệu phiếu bầu. Đây là tỷ lệ rất sít sao, chỉ khoảng 0,001%.
Và sau đó là quá trình kiểm phiếu lại gây tranh cãi kéo dài hơn một tháng. Các kiểm phiếu độc lập sau đó cho những kết quả khác nhau: lần thì Gore thắng, lần thì Bush thắng nhưng số phiếu chỉ chênh nhau vài trăm phiếu. Phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ đại diện đảng Cộng hòa.
Năm 2004, ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry cũng không nhượng bộ ông Bush cho đến khi kết quả được xác nhận.
Tại thời điểm này, khi cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden đang đến thời điểm “chạy nước rút”, nhiều lo ngại càng được dịp nảy sinh. Không ít cử tri thắc mắc rằng liệu kết quả bầu cử có chịu ảnh hưởng bởi lập luận phản đối của một trong hai ứng cử viên hay không.
Theo Joshua Geltzer, giám đốc điều hành Viện Bảo vệ và Ủng hộ Hiến pháp thuộc Đại học Luật Georgetown, câu trả lời là không. “Thái độ của ứng cử viên không tác động đến quy trình cần thiết để tổng hợp kết quả bầu cử”, ông nói. Cụ thể, sau khi “cuộc chạy đua” kết thúc, cuộc họp của cử tri đoàn sẽ diễn ra vào tháng 12, tiếp đến là phiên họp chung của Quốc hội vào tháng 1.
Vì vậy, trên mặt pháp lý, bài diễn văn tuyên bố trao quyền lực lại cho người kế nhiệm không có giá trị gì. Song, với các thế hệ tổng thống, đây là “biểu tượng cho sự chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa”, trích lời nhà sử học chính trị Allan Lichtman.
Thừa nhận chuyển giao quyền lực theo cách ôn hòa không chỉ thể hiện thái độ lịch sự. Theo Kathryn Brownell, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Purdue, động thái này mang ý nghĩa to lớn hơn thế. “Người thua cuộc công nhận chiến thắng của phe đối thủ là hợp pháp, từ đó nhắn nhủ những cử tri ủng hộ mình rằng họ cần tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử”, bà nói. Việc này cũng góp phần khẳng định bản chất hòa bình, công chính của quy trình lựa chọn tổng thống kế nhiệm.
Tuy nhiên, lúc xảy ra tranh chấp hoặc “giờ G” đã đến sát sao mà chưa có ai đạt đủ 270 phiếu cử tri, cả hai bên vẫn còn hy vọng chiến thắng thông qua Tu chính án thứ 12, khi đó Hạ viện sẽ chọn tổng thống còn Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống. Nếu trước ngày 20/1/2021 mà mâu thuẫn vẫn chưa giải quyết xong, chủ tịch Hạ viện sẽ nắm quyền tổng thống theo Đạo luật kế vị.
Do nhiều yếu tố khách quan, năm nay người dân Mỹ bỏ phiếu sớm hơn trước, trong đó có 2/3 số phiếu được gửi qua đường bưu điện. Vậy khi nào thì những phiếu bầu này được tính vào kết quả? Việc này tùy thuộc vào quy định riêng của từng tiểu bang.
Tại bang Florida, giám sát viên sẽ bắt đầu kiểm phiếu từ 3 tuần trước cuộc bầu cử. Trong khi đó ở New Hampshire, phiếu bầu qua thư chỉ được kiểm trong ngày bầu cử. Một số bang như Pennsylvania, Minnesota, North Carolina và Texas vẫn đếm các lá phiếu nhận được sau ngày bầu cử, miễn là chúng được đóng dấu bưu điện gửi đi vào ngày 3/11 hoặc trước đó. Không bang nào có quyền tiết lộ kết quả trước ngày bầu cử. Quá trình tổng hợp các phiếu bầu và công bố người chiến thắng có thể mất cả tuần lễ.
Trong đợt tổng tuyển cử, cử tri đã ký danh có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào họ muốn, không cần phải lưu ý rằng mình theo đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Florida và Pennsylvania, các cử tri chỉ có thể đi bầu trong một cuộc bầu cử sơ bộ của một đảng khi họ có tên thành viên của đảng đó, còn gọi là “bầu cử kín”.
Năm 2016, ông Trump đắc cử tổng thống dù kém đối thủ Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông. Người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà ủy thác cho 538 đại cử tri. Số lượng đại cử tri của mỗi bang được phân bổ dựa trên quy mô dân số của bang đó, tương đương với số ghế họ giữ trong Thượng viện và Hạ viện. Đa số các bang ở Mỹ áp dụng hình thức bầu cử “được ăn cả, ngã về không”, tức ứng viên nào chiếm ưu thế về số phiếu phổ thông tại một bang sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri thuộc về bang đó. Người nào đạt được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử.
Theo Saostar