Kamaboko (Bánh cá Nhật)
Đây là một loại bánh cá của Nhật có hình dạng thỏi dài, khi ăn sẽ cắt ra thành khoanh rất đẹp. Món này được làm từ thịt cá phi lê băm nhuyễn, ướp các gia vị như đường, muối, lòng trắng trứng và sake Nhật. Thông thường thực khách sẽ ăn kamaboko cùng với mì udon hoặc ramen. Miếng kamaboko ngon thường phải được chế biến mềm, thơm mùi thịt cá và mịn.
Bánh cá Nhật có màu sắc dễ thương, kích thích thêm vị giác.
Burger đen
Màu vàng quen thuộc của vỏ bánh burger được thay thế bởi một màu đen tuyền. Chiếc bánh burger đen với những lát phô mai màu đen, sốt tỏi màu đen và bánh cũng màu đen. Bánh mì và phô mai được tạo màu bằng than tre, còn sốt tỏi dùng mực của loại mực. Tại Nhật Bản, than tre và mực được sử dụng như gia vị cho thực phẩm.
Vò bánh lẫn phô mai đều có màu đen tuyền đặc trưng.
Bắp kem
Sự kết hợp mới mẻ giữa bắp bắp rang và kem tươi, đem đến cho thực khách món vặt hấp dẫn. Món ăn này được trình bày theo thứ tự một lớp bắp, rồi đến lớp kem, thêm một lớp bắp và chút caramel trên cùng. Khi ăn, bạn vừa cảm nhận rõ vị ngọt béo và lành lạnh của kem, lại thêm chút giòn giòn của bắp rất lạ miệng.
Bắp vốn được ăn không, nay kết hợp với kem tạo nên món mới hấp dẫn.
Pizza phở sợi
Món ăn được thực khách yêu thích chủ yếu vì ý tưởng độc đáo. Lớp bánh phở phía dưới, phủ phía trên là thịt bò, nước sốt đậm đà và hành giá. Đây là một món ăn vặt nên thông thường các bạn trẻ Sài Gòn sẽ gọi thêm trà sữa để uống cùng.
Gọi là pizza nhưng thật ra lớp bánh được chế biến từ sợi phở khá độc đáo.
Chè hột me
Loại chè này không xa lạ với nhiều người nhưng giữa Sài Gòn lại không hề dễ kiếm. Hột me được chế biến công phu, ăn ngon như các loại chè đậu. Khi ăn bạn thấy vị bùi bùi, sộp sộp rất thích.
Hột me được rang lên, đập dập rồi phơi nắng ngâm nước, tách vỏ ăn vô khá ngon.
Ba đặc sản nước ngoài nổi tiếng ở Sài Gòn
Giữ nguyên vị và lâu năm là những ưu thế khiến chè Campuchia, cháo Tiều, hay mì vịt tiềm hút khách ở Sài Gòn.
Không thể phủ nhận sự nổi tiếng của ba món ăn dưới đây đối với người sành ăn ở Sài Thành.
Chè Campuchia
Đối với người chưa thử ăn thì những sợi mì vàng làm từ lòng đỏ trứng gà, hạt thốt nốt, hạt me.. là những món mà bạn có thể chưa từng nhìn thấy ở bất kỳ hàng chè nào tại Sài Gòn. Chưa hết, bạn sẽ “phải lòng” ngay món bánh trái bí đỏ với cách chế biến lạ lùng từ sữa.
Nếu lần đầu tiên đến đây bạn nên gọi chè thập cẩm có giá 15.000 đồng. Chén chè với 8 loại thành phần khác nhau sẽ khiến bạn “no nê”.
Đã có kinh nghiệm gần 50 năm bán hàng, sạp chè Cô Có nổi bật trước hàng chục sạp chè trong lòng chợ Lê Hồng Phong (quận 10). Chị Có, con cô Ba, chủ một sạp chè hiện tại cho biết, để có được vị ngọt thanh và mùi đặc trưng của chè Campuchia thì phải dùng đường thốt nốt để nấu.
Mì vịt tiềm
Nằm ngay mặt tiền một con đường đông đúc ở quận Phú Nhuận, món mì vịt tiềm của quán Quảng Huệ Viên nổi tiếng với thực khách Sài Gòn hơn 60 năm qua. Thịt vịt mềm ở đây có phần da vừa dẻo vừa giòn lạ miệng.
Theo tiết lộ của đầu bếp, thịt vịt bán cho khách đa phần là phần đùi và má đùi, được ướp thấm kỹ gia vị, sau đó mang đi tiềm trong nước lèo có các vị thuốc bắc. Công đoạn cuối cùng trước khi ra món là chiên và quay. Nhờ sự kỳ công đó mà thịt vịt mềm trong khi phần da vừa giòn vừa thơm, ăn không bị ngán như cách tiềm thông thường.
Không gian quán không bề thế, chỉ được 10 người ngồi là chật. Nhưng giá ở quán được xem là “đáng đồng tiền bát gạo” so với mặt bằng chung của các quán ăn xung quanh. Một phần ăn mì vịt tiềm có giá dao động 100.000 đồng.
Cháo Tiều
Cháo Tiều xuất phát từ một gánh hàng ở đường Nguyễn Thiện Thuật, do người Triều Châu nấu bán từ năm 1942. Chủ quán hiện nay kế nghiệp cha và ông, duy trì món cháo lâu đời nhất ở Sài Gòn.
Tô cháo lòng theo kiểu Triều Châu (người Tiều) là sự kết hợp của cháo trắng và nguyên liệu tươi sống. Khi khách gọi món, đầu bếp sẽ múc cháo trắng từ nồi lớn vào nổi nhỏ rồi nấu lại trên bếp cùng các nguyên liệu gồm lòng heo, tim, cật, thịt heo xay, dạ dày, cá xắt lát, nấm rơm.
Nguyên liệu được ướp một lớp nước mắm cốt trước khi cho vào nồi cháo lúc sôi. Công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ vì phải bỏ vào nồi và đảo nhanh, cho chín đều và vừa tới để giữ được độ ngọt. Chấm miếng lòng heo vào chén nước mắm cốt rồi chậm rãi cảm nhận, nhờ cách canh lửa của người nấu mà bạn sẽ thấy nguyên liệu không quá dai cũng không quá mềm.
Giá cho một tô trung bình 65.000 đồng nhưng quán vẫn được lòng nhiều người, đặc biệt hầu hết khách đến quán đều là khách quen.