Người Sài Gòn rất thích món bún vịt và có thể ăn sáng, trưa, chiều tối. Mặc dù không nổi tiếng như phở hay hủ tiếu, nhưng bún vịt, cháo vịt lại là món ăn bình dân rất dễ ăn, đặc biệt với các bà, các cô thích những món tương đối thanh đạm và kiểu nhẹ nhàng. Bún vịt cô Hà đối diện chợ Nguyễn Tri Phương, nằm trên đường Bà Hạt, Q.10 dành cho các bà, các cô đi chợ tấp nập trên con đường này và chỉ bán từ sáng đến trưa là hết.
Bún vịt cô Hà khác hẳn với các quán bún, miến, cháo vịt khác là ở vị nước dùng không ngọt đường và vịt ở đây lấy mối lâu năm loại ‘vịt chạy đồng’ ở Đồng Tháp, làm sạch sẽ bỏ thùng đá vận chuyển ngay lên Sài Gòn.
Cô Hà chia sẻ, mẹ cô mở quán từ năm 1983 ở khu vực chợ Nguyễn Tri Phương này, sau đó cô tiếp quản từ năm 1997 đến nay. Bao nhiêu năm nay, cô chỉ bán một loại vịt chạy đồng ngọt thịt, da mỏng, không có lớp mỡ dày bám vào da như nhiều hàng vịt khác, đây là bí quyết níu chân thực khách, bên cạnh việc nêm nếm vừa miệng, vị ngọt tự nhiên từ xương và thịt vịt. Nồi nước dùng trong veo, váng mỡ không nhiều nhưng nếu có thì sẽ hớt bỏ bớt đi.
Tô miến vịt 40.000 đồng
Thịt vịt chắc ngọt và rất ít mỡ
Sở dĩ nước dùng không ngọt đường vì cô Hà là gốc Quảng Nam nên không ưa khẩu vị ngọt đường. Do bán lâu năm nên vị mặn cũng chiều theo số đông thực khách là vị mặn vừa phải chứ không đậm hoàn toàn như kiểu miền Trung.
Bà Minh Châu (ngụ Q.10) là một thực khách đặc biệt của quán bún vịt cô Hà vì một tháng bà chỉ nghỉ ăn đúng 2 ngày để đi khám bảo hiểm y tế, còn lại sáng nào cũng phải ghé ăn, cả chục năm nay đều đặn như vậy.
Quán có nhiều khách quen nên cô Hà luôn nhớ khách ruột của mình ăn gì khi vừa ngồi xuống. Có người chuyên ăn đùi, có người chỉ ăn miến Phú Hương chứ không ăn miến hay bún cô để trong rổ, có người lại ăn kèm mì gói. Tất nhiên, phổ biến nhất là bún vịt và sợi bún cô dùng khá ráo bún, khi ăn không bị nát.
Chủ quán luôn nhớ được thói quen của khách ăn gì
Tô bún măng vịt 40.000 đồng
Tôi phục nhất là cô luôn nhớ được danh sách dài “không ăn, có ăn" của tôi dù lâu lâu mới ghé một lần: không ăn da, không tiêu, không hành phi, không thêm nước mắm, có đầu hành…. Và theo như quan sát thì mỗi vị khách sẽ “không ăn, có ăn" các kiểu khác nhau, và trí nhớ của cô ghi lại được hết các thói quen đó. Cô Hà nói, chỉ cần thực khách đừng thay đổi xoành xoạch thói quen là cô sẽ không bao giờ quên.
Ngoài thịt vịt chất lượng, nước chấm vịt ở đây cũng vào hàng xuất sắc, chua cay mặn ngọt vừa đủ, khi chấm thịt vịt vào vô cùng hợp vị. Rau sống ăn kèm phong phú đủ loại. Đặc biệt chanh mọng nước, tươi rói, cũng là hàng lựa kỹ chứ không như nhiều quán chỉ bán mấy loại quả chanh héo vàng, còi cọc. Có cả hũ mắm tôm để dành cho ai muốn ăn bún vịt mắm tôm.
Giá một tô bún măng vịt, miến vịt bình thường ở đây là 40.000 đồng, đặc biệt là 50.000 đồng, đĩa gỏi 110.000 đồng (cho góc tư con vịt). Hơn 7 giờ sáng quán mở cửa, bán tới trưa là đóng quán. Tuy giá cũng không phải rẻ, vì các hàng vịt khác bán tô bún chỉ 25.000 đồng, nhưng chất lượng cũng cực kỳ khác nhau.
Ở Sài Gòn, thường các loại bún, miến vịt sẽ bán buổi sáng, còn chiều đến lại là cháo vịt, gỏi vịt. Nổi tiếng nhất từ xưa đến nay là cháo vịt Thanh Đa, giờ cũng bán rộng rãi khắp Sài Gòn. Tùy theo khẩu vị, hàng vịt nào cũng có lượng thực khách riêng của chính mình.