Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết diệt sâu bọ – ngày Tết truyền thống của người Việt diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch.
Hẳn bạn đã từng nghe nhiều người nói rằng, trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
Vậy nên vào ngày "diệt sâu bọ" một năm mới có một lần này, bạn không thể bỏ qua list thực phẩm dưới đây.
1. Rượu nếp
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước ai nấy đều ăn món cơm rượu nếp. Đây được cho là món ăn không thể thiếu bởi chúng có tác dụng "tiêu diệt" sâu bọ, loại bỏ ký sinh gây hại cho cơ thể người.
Có lẽ chính bởi món ăn sở hữu vị men rượu thơm, lại cay nhẹ và vị ngọt trên đầu lưỡi nên mới làm say lũ “sâu bọ” trong người.
Một chi tiết thú vị dành cho bạn đây. Bạn có hay cơm rượu nếp ở miền Bắc và miền Trung, hay miền Nam có sự khác biệt không? Nếu cơm rượu của miền Bắc hạt rời thì cơm rượu miền Trung lại được ép thành từng khối. Trong khi đó, đặc biệt hơn cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn đấy!
2. Bánh gio
Bánh gio (hay bánh tro, bánh ú gio…) là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ.
Gạo được lựa chọn phải là những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất, đều hạt. Nước gio để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng) được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong.
Sau khi hạt gạo được ngâm kĩ đã ngả sang màu vàng nghệ sẽ được gói trong lá dong, lá chuối rồi đem luộc. Theo ông bà xưa, gạo luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, có tác dụng tiêu tan bệnh trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.
3. Thịt vịt
Nghe lạ lẫm lắm phải không, thế nhưng với người dân ở miền Trung, miền Nam thì vịt là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ.
Theo quan niệm, ngày 5/5 là ngày có dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn sẽ giúp giải nóng, làm mát cơ thể.
Ngoài ra, còn có một lý do khác đó là vào tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa nên béo, thịt thơm hơn nữa.
4. Hoa quả theo mùa
Dù hoa quả là thực phẩm không thể thiếu với nhiều người thế nhưng mận, vải, dưa hấu… cũng được coi là "phương thuốc diệt sâu bọ" trong ngày Tết Đoan Ngọ này.
Ông bà xưa cho rằng sau khi sâu bọ bị "chuốc say" bởi rượu nếp, ta nên tiếp tục ăn các loại quả chua như mận, xoài… để chúng chết nhanh hơn.
5. Chè trôi nước
Người miền Bắc thường có tục lệ ăn bánh trôi vào Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) nhưng người miền Nam lại ăn chè trôi nước vào 5/5 – Tết Đoan Ngọ. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa.
Theo quan niệm dân gian thì món được làm từ gạo nếp có khả năng diệt sâu bọ tốt.