” class=”second-sapo”>Tàu hủ thuộc dòng thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và rất thơm ngon. Tuy nhiên, khi mua ở bên ngoài thì thật khó để bạn có thể đảm bảo được vấn đề an toàn. Những thông tin bên dưới sẽ giúp bạn tự nấu được một nồi tàu hủ ngọt mát ngay tại nhà.
Bát tàu hủ đá thanh mát, hấp dẫn
Nguyên liệu
- Đậu nành: 150g
- Lá dứa: 8 lá
- Bột bắp (ngô): 1 muỗng
- Bột gạo: 2.5 muỗng
- Bột năng: 1 muỗng
- Dừa nạo: 300g
- Đường cát trắng: 300g
- Thạch cao phi: 1 muỗng để làm đông tàu hủ
- Âu sạch lớn, máy xay sinh tố, 2 tấm khăn sữa (dùng để vắt sữa đậu nành)
Sơ chế đậu nành
Đậu nành sau khi mua về, bạn đem ngâm với nước sạch ít nhất khoảng 6 tiếng đồng hồ, tốt nhất hãy để qua đêm. Sau đó, bạn vò hạt đậu để vỏ được bóc ra rồi rửa qua nhiều lần nước để đãi sạch vỏ.
Tiếp theo, bạn hãy bỏ phần đậu nành vừa được lược vỏ vào máy xay sinh tố cùng 1.7 lít nước sạch (không cần phải đun sôi) rồi tiến hành xay. Khi bạn nhìn thấy hỗn hợp trong máy xay chuyển sang màu trắng sữa và các hạt đậu nành đã được xay nhuyễn thì tắt máy.
Bạn chuẩn bị một âu sạch lớn rồi trải 2 tấm khăn sữa vào lòng âu. Sau đó, bạn trút toàn bộ phần đậu nành thu được ở bước phía trên vào âu qua 2 tấm khăn. Điều này sẽ làm cho xác đầu nành chưa được xay nhuyễn giữ lại trong khăn và bạn thu được hỗn hợp sữa đậu nành nhuyễn mịn ở dưới đáy âu, khi sử dụng làm tàu hủ sẽ không bị lặn cặn.
Lọc sữa đậu nành bằng khăn sữa
Bạn nhấc 2 tấm khăn xô lên khỏi lòng âu, tránh để xác đậu nành rơi ra khỏi khăn. Sau đó vo tròn lại và vắt kiệt nước đậu nành còn lại ở xác bã đậu trong khăn sữa. Đến đây, bạn đã hoàn thành bước 1, kết quả thu được là phần sữa đậu nành nhuyễn mịn.
Nấu sữa đậu nành
Phần sữa đậu nành chưa được nấu chín ở bước 1, bạn dùng muôi (vá) múc ra 3 muôi để riêng ra một cái bát nhỏ. Phần này, bạn sẽ cho 1.5 muỗng canh bột gạo và 1 muỗng canh bột năng vào và khuấy đều cho đến khi bột tan hết.
Phần còn lại bạn trút vào một nồi sạch lớn rồi đem đun sôi với mức lửa nhỏ để tránh tình trạng cháy khét, tạo mùi khó chịu cho phần sữa. Bên cạnh đó, trong quá trình đun, bạn cũng nên thường xuyên dùng muôi khuấy tròn nhẹ nhàng.
Khi phần sữa đậu nành ở nồi sôi, bạn trút hỗn hợp sữa đậu nành – bột gạo – bột năng ở bát vào, vừa trút vừa khuấy đều để tránh làm bột vón cục. Sau đó, bạn tiếp tục đun hỗn hợp rồi vớt bỏ sạch các bọt trắng trên bề mặt.
Đun sôi sữa đậu nành
Ủ đông để tạo thành tàu hủ
Trong quá trình đợi nồi sữa đậu nành ở bước 2 sôi, bạn đun thêm khoảng 200ml nước trong một cái nồi khác bằng bếp bên cạnh. Mục đích của bước này là làm nóng nồi để khi bỏ phần đậu hủ vào ủ, thời gian giữ nhiệt sẽ được kéo dài, đậu hủ sẽ nhanh đông hơn.
Lưu ý: Nồi ở bước này bạn cần rửa thật sạch, đảm bảo không dính tí chút dầu mỡ nào. Bởi lẽ, nồi này về sau, chúng ta sẽ dùng để ủ đậu hủ, nếu có dầu mỡ sẽ làm đậu hủ không thể đông được.
Bạn đem hòa tan 1 muỗng cà phê thạch cao phi với 2 muỗng canh nước đã đun sôi, để nguội vào một bát nhỏ. Sau đó, trút hết 200ml nước sôi có trong nồi ở bước trên đi và cho phần thạch cao phi vào.
Khi nồi sữa đậu nành ở bước 2 sôi, bạn đun thêm khoảng 3 – 5 phút nữa rồi tắt bếp. Sau đó, trút hết vào nồi có chứa thạch cao phi và đậy kín nắp lại rồi cho ra một góc, để trong vòng 1 tiếng, sữa đậu nành sẽ được làm đông và tạo thành đậu hủ. Nếu kỹ hơn, bạn có thể dùng thêm một chiếc khăn sạch lớn trùm lên trên nồi để giữ nhiệt, còn không để vậy cũng được, tàu hủ cũng sẽ đông.
Sữa đậu nành sau khi được ủ đông
Đến đây thì bạn đã có thành phẩm tàu hủ rồi. Bước 4 và 5 sẽ thắng thêm nước đường và nước cốt dừa để dưới lên thưởng thức.
Nấu nước đường
Cho 300 gram đường cát trắng cùng 150 – 200ml nước và 1 bó lá dứa khoảng 3 – 4 lá dứa đã được làm sạch vào chung một nồi rồi cho lên bếp đun sôi.
Bạn lưu ý là cho hỗn hợp lên thẳng bếp luôn, chứ không được khuấy tan đường trước nhé. Với tỉ lệ này, nước đường của bạn sẽ đặc lại, không quá lỏng, khi sử dụng, múc sẽ quẹo hơn và ăn sẽ béo và ngon hơn.
Nồi nước đường hơi đặc
Nấu nước cốt dừa
Nếu bạn đã có sẵn nước cốt dừa rồi thì bỏ qua bước này nhé. Nước cốt dừa sẽ làm món tàu hủ của bạn thơm hơn rất nhiều.
Bạn cho 300 gram dừa nạo vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó, bạn đổ toàn bộ phần dừa trong máy xay qua 1 chiếc khăn sữa rồi vắt kiệt nước sẽ thu được 1 bát nước cốt dừa nhỏ. Phần bã dừa còn lại ở trong khăn sữa, bạn đem hoà với 300ml nước và tiếp tục lọc, vắt qua khăn sữa vào một bát khác, phần này gọi là dão dừa.
Phần nước cốt dừa, bạn cho vào thêm 1 muỗng canh bột bắp và 1 muỗng canh bột gạo rồi khuấy đều cho các loại bột tan ra. Còn phần dão dừa, bạn cho vào một nồi nhỏ. Sau đó, túm các lá dứa còn lại sau khi đã rửa sạch thành 1 bó và cho vào nồi dão dừa cùng 50 gram đường cát rồi cho lên bếp đun sôi.
Khi nồi nước dão dừa sôi, bạn trút phần hỗn hợp nước cốt dừa và cho thêm 1 chút xíu muối. Điều này sẽ giúp làm tăng độ béo và đậm đà cho phần nước cốt dừa.
Nấu nước cốt dừa cùng lá dứa
Trên đây là công thức và các công đoạn cách làm tàu hủ đá. Nếu chị em nào không có nhiều thời gian thì có thể mua sẵn sữa đậu nành để làm, đỡ mất công ngâm, đãi và xay đậu. Với công thức trên thì có thay thế 300 gram đậu nành bằng 1.7 lít sữa đậu nành là được.