Do đó, thịt bò rất nhiều và được chế biến thành các món ăn khác nhau như bò xào lá lốt, bò xào lá giang, bò nướng lá trúc, khô bò, bò hầm dưa chua… Trong đó, cháo lòng bò là món ăn rất được người dân tại đây ưa thích, được xem là đặc sản của xứ núi.
Một tô cháo lòng bò với hương vị đậm đà, lạ miệng kết hợp hương thơm thoang thoảng của gừng tươi hòa quyện với thịt bò chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn và cả gia đình vào ngày cuối tuần đấy. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nấu cháo lòng bò thơm ngon như người dân ở vùng xứ núi Tri Thôn nhé.
Cách nấu cháo lòng bò – Những nguyên liệu cần thiết:
Với cách nấu cháo lòng bò trong bài viết này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu cần thiết sau:
- Gạo nấu cháo: 1/3 bát nhỏ gạo nếp + ½ bát nhỏ gạo tẻ. Việc sử dụng gạo nấu cháo là hỗn hợp của gạo nếp và gạo tẻ sẽ giúp nồi cháo thơm và mềm hơn.
- Đậu phộng rang chín: 100 gram.
- Gừng tươi: 1 củ, trần bì: 2 gram, muối, dầu ăn, bột ngọt, tiêu xay…
- Xương bò: khoảng 500 gram (có thể chọn xương cục và xương ống). Xương này được dùng để hầm lấy nước nấu cháo, như vậy thì nồi cháo sẽ ngon, ngọt và thơm hơn.
- Rau gia vị: Để nồi cháo lòng thêm thơm ngon, bạn hãy chuẩn bị các loại rau sau: hành lá, hành tím, rau răm, mùi tàu, mùi thơm, rau húng quế…
- Nội tạng bò: Để có nồi cháo thơm ngon, hấp dẫn thì phần nội tạng là quan trọng nhất. Phần nội tạng này bạn cần chuẩn bị: lưỡi bò ½ cái, tim, gan, lòng non, lòng già, dạ dày, lá lách, huyết…
Hướng dẫn cách nấu cháo lòng bò đúng chuẩn:
Bước 1: Ngâm gạo và hầm nước nấu cháo:
- Xương bò mua về bạn rửa sạch và chặt nhỏ, tiếp theo đem đi trần qua nước sôi để xương hết bọt bẩn. Sau đó, đổ ra rổ và rửa kĩ lại lần nữa. Cuối cùng, bạn cho hết xương vào nồi và hầm kĩ với 3 lít nước lọc (lượng nước này có thay tăng giảm tùy theo số lượng gạo muốn nấu) + 2 củ hành tím nướng vàng, thơm.
- Trong lúc hầm xương, bạn vo sạch phần gạo nấu cháo và ngâm gạo với nước sạch. Nếu muốn khi nấu cháo bung nhanh và sánh hơn, bạn có thể dã dập hạt gạo trước khi ngâm.
Bước 2: Chuẩn bị các nguyên liệu khác:
- Phần lưỡi bò, bạn đem rửa sạch và bóp kĩ với chanh + dấm + muối để mùi hôi biến mất. Lòng bò và các phần nội tạng khác, bạn cũng làm tương tự để khử mùi. Sau khi đã làm sạch, bạn cho hết phần nguyên liệu này vào nồi và luộc chín cùng với gừng, trần bì. Riêng phần lòng gìa, bạn hãy dồi với phần huyết + mỡ+ đỗ + đậu phộng rang giã nhỏ rồi sau đó mới luộc chín.
- Chia huyết bò đã chuẩn bị thành 2 phần. Một phần thì để đông lại và đem luộc với nội tạng, phần còn lại, bạn cho chút gia vị + hành lá + rau răm đánh đều rồi để nguyên, khi nào cháo gần được thì cho vào nồi.
Bước 3: Cách nấu cháo lòng bò đúng chuẩn
- Khi xương đã hầm xong, bạn cho phần gạo đã ngâm vào nồi nước dùng để nấu cháo. Để hạt gạo chín đều và nở bung hết, bạn nên nấu với lửa vừa. Trong quá trình nấu, để cháo không bị cháy, thỉnh thoảng bạn hãy khuấy đều cháo, nên khuấy nhẹ tay.
- Khi nồi cháo gần chín, bạn cho tiếp phần nước luộc lòng vào tiếp và khuấy đều. Sau đó, tiếp tục đun cháo thêm một thời gian nữa. Cứ đun lửa nhỏ cho đến khi nồi cháo chín mềm, bạn trút hết phần huyết bò đã pha vào nồi và khuấy đều, đun sôi khoảng 3 – 5 phút nữa thì rắc hành ngò, rau thơm đã cắt nhỏ vào.
- Để thưởng thức cháo lòng, bạn múc phần cháo ra tô, ăn kèm với phần nội tạng đã được luộc chín và các loại rau thơm đã chuẩn bị. Loại cháo này nên ăn nóng kèm với nước mắm gừng thì sẽ rất ngon.